Giới thiệu sách giáo viên
Giới thiệu sách giáo viên
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9 NĂM 2022

 

BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9/2016
            Tháng 9 thư viện xin trân trọng gửi đến quý thầy cô giáo và các em bộ sách Sử ta chuyện xưa kể lại, (4tập) của tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tín. Do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2014.
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
            “Sử ta” đó là cách nói của Bác Hồ trong câu thơ nổi tiếng: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. “Sử ta” đó là chữ dùng của học giả Nguyễn Văn Tố, nhà sử học đồng thời là nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ XX, tác giả của công trình sử học đầy tự hào. Lịch sử quan trọng thế nào đối với mỗi chúng ta, là người Việt bạn không thể không biết lịch sử nước nhà. Người không biết lịch sử tức là không biết mình sống trên mảnh đất như thế nào, không tường gốc tích mình, cũng không rõ tổ tiên ông cha mình là ai…Cũng vì thế mà không biết cách sống, cách ứng xử như thế nào cho xứng với truyền thống dân tộc mình. Có hiểu lịch sử mới hun đúc lòng yêu nước, mới biết tự hào mình là người Việt Nam. Hiểu biết lịch sử cũng là người có tầm văn hóa để có thể ngẩng cao đầu hòa nhập cùng bạn bè bốn phương…
          Cuốn sách này muốn nói chúng ta rằng, Lịch sử - đó cũng chính là cuộc đời – cuộc đời được ghi lại với những dấu ấn đặc biệt của một dân tộc, một đất nước và của những con người lịch sử. Học Lịch sử cũng chính là đọc về cuộc đời, với mỗi trang sử là một câu chuyện về đời trước, mỗi nhân vật là một đại diện tiêu biểu của đất nước thuộc các thời kì, qua đó chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui, sự tự hào về tổ tiên, nỗi đau đớn, xót xa trước những tai họa của đất nước, những bài học rút ra cho hậu thế mai sau…
Cuốn sách Sử ta chuyện xưa kể lại, T.1các tác giả đã kể cho chúng ta những câu chuyện từ thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước. Thông qua những câu chuyện hay và đầy thú vị, cuốn sách đã truyền cảm hứng đến bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi, về các trang sử vẻ vang và bi tráng của dân tộc ta.
          Câu chuyện đầu tiên có nhan đề: “Con Rồng, cháu Tiên”. Đó là câu chuyện kể lại vào thời sơ khai, loài người chưa có chữ viết, chưa có ghi chép sử sách như bây giờ. Các tộc người trên thế giới thường tự tìm cho mình một vị tổ. “Con Rồng, cháu Tiên” bắt nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ các thế hệ nối tiếp nhau truyền lại cho đời sau và tự hào rằng người Việt chúng ta luôn tự hào là con Rồng, cháu Tiên.
Đến với câu chuyện “Vua Hùng dựng nước Văn Lang” các bạn sẽ biết được thuở ban đầu tên nước ta là gì? Địa điểm lập kinh đô của vua Hùng ở đâu? Khi đó cuộc sống của người dân lúc đó ra sao? Sự ra đời của trống đồng cổ và ý nghĩa của tiếng trống đồng đối với dân tộc ta được mãi mãi lưu truyền cho các thế hệ con cháu ngày nay.
Câu chuyện “ An Dương Vương xây thành Cổ Loa” đó là câu chuyện viết về cuộc thiên đô đầu tiên của dân tộc, việc xây thành cổ loa như thế nào? Cấu trúc thành ra sao … đọc câu truyện này các bạn sẽ hiểu rõ hơn về An Dương Vương và việc xây thành Cổ Loa.
Còn rất nhiều những câu chuyện khác có ý nghĩa và thu hút bạn đọc như “Thánh Gióng đánh giặc Ân” trang 21, “Sự tích bánh chưng bánh dày” trang 25, “ Bí ẩn thời các vua Hùng” trang 55… đó là những câu chuyện lịch sử của dân tộc ta có nội dung sâu sắc và gây hứng thú cho người đọc.
Ở T.2 chúng ta sẽ biết được Lý Công Uẩn khai mở vương triều Lý như thế nào; và tại sao Lý Thái Tổ lại dời đô về Thăng Long…
T.3 bao quát từ những "chuyện ông Trạng, ông Nghè thời Mạc" đến "sự suy tàn của triều đại Tây Sơn". Tập 4 thì gói từ chuyện "Gia Long thống nhất sơn hà" đến "trên quảng trường Ba Đình, ngày ấy".Đặc biệt, tập 3 có riêng một chuyện kể về "Các chúa Nguyễn thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa". Nhìn lại 4 tập sách, nhất là trong bối cảnh lãnh thổ, lãnh hải của đất nước bị đe dọa, càng thấy ý nghĩa to lớn của việc lòng yêu nước phải được gieo mầm từ sự hiểu biết về lịch sử ngay trong mỗi học sinh chúng ta. 
        Chúng ta sẽ không bao giờ yêu được sử nước nhà khi không nhìn những nhân vật, sự kiện trong một tổng thể của cái hay, cái dở, của những cao cả xen lẫn cái đời thường, của khát vọng và bi kịch số phận con người. Trẻ con cũng vậy, chúng sẽ không nhớ được một Cao Bá Quát tài năng và chí khí khi không biết được bi kịch khủng khiếp cuối đời ông, cũng như tấm lòng các sĩ phu và nhân dân mạo hiểm kháng lệnh triều đình, tìm cách cất giấu các trước tác của ông…
Đọc bộ sách Sử ta chuyện xưa kể lại các thầy cô và các em sẽ hiểu rõ hơn về nội dung và hiểu biết thêm nhiều về lịch sử của dân tộc ta.
Thư viện trân trọng kính mời các thầy cô và các em học sinh tìm đọc bộ sách Sử ta chuyện xưa kể lại.
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 
 
 
 
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10 NĂM 2022
 
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2016
 
Kính thưa quý thầy- cô giáo và các em học sinh thân mến!
Trong lịch sử các vương triều, những người phụ nữ nơi thâm cung bí sử luôn có ảnh hưởng nhất định đến vận mệnh quốc gia và an nguy thời cuộc. Thái hậu Dương Vân Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Nguyên phi Ỷ Lan hai lần nhiếp chính, giữ vững sự hưng thịnh của nhà Lý và góp phần không nhỏ vào sự phồn thịnh của Phật giáo. Sử sách cũng ghi lại vụ án Lệ Chi Viên với nhiều uẩn khúc liên quan đến hoàng hậu Nguyễn Thị Anh (triều Lê Thánh Tông). Vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn - Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) được tôn sùng như một biểu tượng về nhan sắc xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông dương. Cuốn sách Những Phi - Hậu Nổi Tiếng Của Các Triều Đại Việt Nam do Nhóm Trí thức Việt biên soạn, NXB Thời Đại ấn hành năm 2014 mà thư viện giới thiệu hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chân dung những vị phi - hậu nổi tiếng của Việt Nam, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát về những người phụ nữ quyền lực trong lịch sử phong kiến nước ta.
          Nhắc đến các phi- hậu nổi tiếng chúng ta không thể không nói đến vị hoàng hậu cầm quân đánh giặc đó là Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế, đồng thời là thành hoàng được dân làng Hòa Mục (Cầu Giấy, Hà Nội) thờ tự kính cẩn từ nhiều đời nay. Theo thần tích được ghi trong tư liệu lịch sử của đình làng Hòa Mục, bà Phạm Thị Uyển là con gái đầu trong một gia đình ở quận Nam Xương. Cha là ông Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, mẹ là Phùng Thị Thảo hiệu Diệu Hoa. Gia đình Phạm Công ăn ở phúc đức mà muộn đường con cái nên ông bà ngày đêm đến chùa cầu cúng. Một ngày kia ông bà được báo mộng có người nối dõi. Từ đấy, bà mang thai và đồng sinh một gái, hai trai.
          Phạm Thị Uyển là chị cả, dưới còn Phạm Miện và Phạm Huy. Hai người em bà sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Năm Phạm Thị Uyển 18 tuổi lấy Mai Thúc Loan. Khi Mai Thúc Loan khởi nghĩa thắng lợi lên ngôi hoàng đế, Phạm Thị Uyển trở thành hoàng hậu. Quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Bởi vậy, nhà Đường sai Dương Tư Húc mang 10 vạn quân sang đánh. Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần rồi bị tan vỡ.
          Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch. Bấy giờ sông Tô còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn.
Hay mẫu nghi thiên hạ tài sắc vẹn toàn – nguyên phi Ỷ lan. Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Đó chính là Yến Loan.
          Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Lý Thánh Tông phong Yến Loan là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý. Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính. Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống.
          Cảm cái ơn ấy, cũng là cách suy tôn một tài năng, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan Âm Nữ, lập bàn thờ Ỷ Lan. Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi (tức hoàng đế Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Triều đình rối ren, Ỷ Lan đã coi triều chính, điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống sang xâm lược (1075 và 1077), vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư, cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến
 
Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý, mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam. Không chỉ giỏi đánh giặc, phụ nữ Việt Nam còn giỏi trị quốc. Đó là hình ảnh của Nguyên phi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan (1044-1117) – một trong những danh nhân huyền thoại của dân tộc Việt Nam bởi có tài trị nước xuất chúng.Và còn rất nhiều những vị phi - hậu nổi tiếng khác của Việt Nam, mời quý thầy-cô và các em học sinh hãy tìm đọc.
          Qua từng trang sách bạn đọc sẽ được gặp lại những người phụ nữ tuy nhỏ bé nhưng cống hiến cũng như tầm ảnh hưởng của họ đối với nước nhà. Một lần nữa thấy được sự hoàng hùng của những trang sử Việt Nam.
          Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!
 
   
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11 NĂM 2022
 
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11/2016
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn tôn vinh người thầy giáo và quý trọng nghề dạy học. Đây là một công việc không phải ai cũng có thể làm được bởi không chỉ yêu cầu cao về tri thức mà còn đòi hỏi phải có đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà thông qua dạy kiến thức còn dạy đạo làm người, giáo dục đạo đức cho học trò. Trong lịch sử dân tộc ta có rất nhiều nhà giáo ưu tú dù ở hoàn cảnh nào cũng ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ, cống hiến sức mình đào tạo ra nhiều học trò giỏi giúp ích cho đất nước.
Nằm trong bộ sách “Việt Nam – Đất nước con người” quyển sách “Những bậc tôn sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” do Nhóm Trí thức Việt biên soạn, NXB Thời Đại ấn hành năm 2014 mà thư viện giới thiệu hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về 29 nhà sư phạm xuất sắc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ xưa đến trước cách mạng tháng Tám.
Sách dày 237 trang, lần lượt giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của các bậc danh sư như: Chu Văn An – người được nhân dân kính trọng về phẩm chất thanh cao và được tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời; Bảng nhản Nguyễn Như Đỗ - vị quan thời Lê sơ với học vấn uyên thâm hết lòng chăm lo việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông là người đã đề xuất và áp dụng một số cải cách trong tuyển lựa khảo xét học trò để tìm ra người giỏi; Trần Ích Phát - người thầy có công đào tạo được nhiều học trò đỗ đại khoa nhất dưới thời Lê sơ. Với 74 học trò đỗ đại khoa, trong đó có 3 người đỗ Trạng nguyên, 4 người đỗ Bảng nhãn, 6 người đỗ Thám hoa, 10 người đỗ Hoàng giáp và 51 người đỗ Tiến sĩ. Đây là một kỷ lục mà trong lịch sử Việt Nam không thầy giáo nào vinh dự có được.
Không thể không nhắc đến vị quan tài năng đức độ Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ông được vua Lê Thánh Tông tin dùng giao trọng trách trong việc tuyển chọn và đào tạo nhân tài. Ông là người đã soạn hai bài văn bia còn lưu giữ tại Văn miếu hiện nay với những ý kiến vô cùng sâu sắc về vai trò của người trí thức và về chính sách đối với hiền tài.
Cũng giống như thầy giáo Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được nhân dân đời sau hết lòng ca ngợi, bởi ông là người thầy giáo phẩm hạnh thanh cao không màng danh lợi, đã cống hiến suốt đời mình cho việc đào tạo nhân tài giúp nước, giúp dân. Ông được xem là nhà văn hoá lớn thế kỷ XVI với kiến thức uyên bác, tinh thông Lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai đã nhiều lần giúp đất nước tránh được hoạ binh đao.
Và còn rất nhiều những tên tuổi như: Nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà giáo Nguyễn Hi Quang, nhà giáo Võ Trường Toản, nhà giáo, học giả Nguyễn Văn Siêu, thầy giáo Nguyễn Dục, thầy giáo Nguyễn Thức Tự,… mỗi người có thể ở những thời đại khác nhau nhưng đều là những nhà sư phạm có nhân cách lớn với những cống hiến quan trọng trong sự phát triển nền giáo dục Việt Nam, đào tạo được nhiều học trò là những nhân tài nổi tiếng, có đóng góp xuất sắc cho đất nước.
Đọc quyển sách “Những bậc tôn sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” chúng ta sẽ càng thêm kính trọng và tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc.
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 
 
 
 
 
 
 
                                          
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12 NĂM 2022
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12/2016
 
 
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
           Rất vui được gặp lại quý Thầy-cô và các em trong buổi giới thiệu sách tháng 12/2016.
          Với mong muốn giới thiệu đến đông đảo bạn đọc Việt Nam những kiến thức về lịch sử nhà xuất bản Lao Động đã cho ra đời cuốn sách “Việt Nam đất nước con người - Những danh tướng trong lịch sử Việt Nam”, qua đó tôn vinh các vị anh hùng, danh nhân trong lịch sử, đưa bạn đọc đến gần hơn, hiểu rõ và tự hào hơn về những chiến công của cha ông trong quá trình xây dựng đất nước.
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu để giành lấy từ tấc đất, giữ yên bờ cõi, mang lại hòa bình, độc lập cho đến ngày hôm nay. Từ việc xây thành Cổ Loa hùng vĩ của Thục phán An Dương Vương, đến Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng,… đến trận Điện Biên Phủ trên không, rồi cuối cùng là đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tất cả những chiến tích đó là sự góp phần to lớn của các vị tướng lĩnh anh kiệt tài ba của dân tộc Việt. Để biết thêm về hoạt động quân sự của các danh tướng này, Thư viện giới thiệu đến bạn đọc quyển “Những danh tướng trong lịch sử Việt Nam” do Nxb Lao động phát hành năm 2013.
Danh tướng đầu tiên được giới thiệu trong quyển sách này là Nguyễn Bặc - một vị tướng trung quân ái quốc, Ông đã đóng góp rất nhiều công lao trong việc dẹp loạn các sứ quân dưới thời vua Đinh. Nhờ có đức độ và tài thao lược cùng với tài năng xuất chúng nên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần, Phạm Ngũ Lão - Danh tướng nông dân, được biết bởi sự nổi bật ở cả ba lĩnh vực: chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ quốc gia và chống nội loạn bảo vệ vương triều. Các danh tướng như Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư - từ bản án thông dâm đến nghề buôn nón, bán than không nhòe danh đại tướng, Danh tướng Yết Kiêu, Chiêu Quận công văn võ song toàn - Nguyễn Hữu Dật…cũng được sử sách lưu danh. Gần cuối quyển sách là những trang viết về công trạng của Cố Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng làm rạng danh đất Việt qua trận đánh Điện Biên Phủ. Đại tướng Lê Trọng Tấn - vị tướng huyền thoại “hai lần anh hùng”, Đại tướng Hoàng Văn Thái – Vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng được giới thiệu trong tác phẩm này.
          Dù ở thời đại nào, truyền thống đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cha ông ta luôn được Đảng và Nhà nước ghi công, để mãi ngàn đời sau, chúng ta luôn tự hào về truyền thống quý báu này. Trong bối cảnh mà việc học sử cũng như hiểu biết về lịch sử của giới trẻ đang ngày càng trở nên báo động thì cuốn sách này sẽ giúp các độc giả tiếp cận lịch sử ở góc độ dễ hiểu hơn và  sống động hơn. Chúng tôi hi vọng với cuốn sách này bạn đọc sẽ hiểu thêm về lịch sử nước nhà và truyền lại ngọn lửa cho thể hệ mai sau.  
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
 
   
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 
 
 

 
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01 NĂM 2023
 
Nơi chúng ta đang đứng là điểm nào của Trái Đất? Đó có phải là những vị trí độc đáo? Hành tinh kỳ diệu này của chúng ta chứa đựng những điều kỳ diệu nào? Nguồn gốc sự sống của Trái Đất? Còn bao nhiêu điều khiến chúng ta thắc mắc về Trái Đất.
Trái Đất là hành tinh duy nhất có sự sống trong hệ Mặt Trời. Nhưng không mấy người cảm nhận điều này như một ân huệ lớn và độc nhất vô nhị của thiên nhiên đã ban phát cho muôn loài sinh vật mà con người là trung tâm.

Cuốn sách “Những điều kỳ diệu về Trái Đất và sự sống” của tác giả Tạ Hoà Phương mô tả những điều khó tin nhưng có thật trong thế giới sinh vật từ cổ chí kim, cho ta thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên. Đã xa rồi thời kỳ thống trị của các truyền thuyết hoang đường, cách giải thích mơ hồ về nguồn gốc và thời gian sinh thành Trái Đất. Những cách giải thích đó đã không còn thỏa mãn được nỗi khát khao của con người trong việc tìm hiểu cội nguồn hành tinh đã cưu mang mình từ cõi hỗn mang vươn lên ánh sáng văn minh.
“Những điều kỳ diệu về Trái Đất và sự sống” do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2007 gồm 4 chương:
Chương I: Trái Đất – cái nôi của sự sống;
Chương II: Sinh vật trong lịch sử Trái Đất;
Chương III: Sinh vật xưa và nay;
Chương IV: Hành tinh tràn đầy sự sống.
Cuốn sách dày 176 trang, khổ 19x27.
Bìa sách được thiết kế đơn giản nhưng thể hiện sự đa dạng và phong phú về sự sống của Trái Đất.
Bạn đọc sẽ bị lôi cuốn vào thế giới sinh vật với biết bao điều kỳ lạ, bí ẩn bởi những câu chữ và hình ảnh minh họa đa dạng. Cùng với những lực kiến tạo vĩ đại gây chuyển động trên quy mô toàn cầu, thế giới sinh vật Trái Đất cũng không ngừng biến đổi, thích nghi và phát triển. Những chu kỳ của sinh giới có tác động không nhỏ đến quá trình địa chất xảy ra trong quá khứ, tạo nên hơi thở và nhịp sống kỳ diệu của hành tinh này.
Tác giả đã tái hiện lược sử Trái Đất từ buổi đầu sơ khai đến nay với những vận động, va chạm không ngừng nghỉ của các mảng thạch quyển. Qua rất nhiều trang sách, Hòa Phương đã giới thiệu về thế giới sinh vật hóa đá – từ những sinh thể nhỏ xíu đến những con thú khổng lồ, từ những hóa thạch cá quý hơn vàng được phát hiện trong lòng đất nước ta đến những “hóa thạch sống” còn tồn tại đó đây trên thế giới.
Đọc giả còn có cơ hội tìm hiểu vai trò của sinh vật trong việc hình thành các tầng đá, các khoáng sản. Bằng cách nào cây xanh mách bảo con người nơi ẩn náu của quặng mỏ? Điều gì làm nên hiện tượng lân quang óng ánh trên mặt biển đêm? Vì sao vị trí thủy tổ của Chim Thủy tổ bị lung lay? Rồi cớ sao cá Chình châu Âu phải vượt hàng ngàn cây số qua Đại Tây Dương để sinh con đẻ cái? Vì sao chuột Lem phải rồng rắn hàng triệu con về phía bắc để “tự sát tập thể” trong làn nước giá lạnh của Bắc Băng Dương?... Những kết quả nghiên cứu tưởng chừng vô cùng khó khăn, khó hiểu của các ngành khoa học về Trái Đất, trong đó có Cổ sinh – Địa tầng học, được trình bày một cách cuốn hút, dễ hiểu. Mỗi trang sách như một cửa sổ nhỏ mở ra những chân trời rộng lớn, cho ta thấy những nét sinh động của Trái Đất, nơi còn biết bao điều cần được khám phá.
Theo các nhà cổ sinh, sự sống xuất hiện trên Trái Đất cách đây khoảng 3 tỉ năm. Từ đó đến nay, thế giới sinh vật đã trải qua một quá trình phát triển vô cùng  phức tạp. Các nhóm sinh vật kế tiếp nhau xuất hiện rồi cùng bị tiêu diệt do những biến động không ngừng của điều kiện môi trường. Nhưng cũng có loài sinh vật sống từ nhiều triệu năm trước, đến nay vẫn tiếp tục sinh tồn với hình dạng, kích thước hầu như không biến động. Chúng được coi là những “hóa thạch sống”. Người ta chỉ biết những sinh vật nào có cấu tạo thích nghi đặc biệt, khi mà sự chọn lọc tự nhiên đạt tới mức ổn định, mới có thể vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Thế giới hữu sinh thật muôn màu muôn vẻ. Chúng ta đã từng nghe đến loài cây “ăn thịt”, sau khi bẫy được mồi, chúng tiết ra một chất dịch giống như dịch vị của động vật để tiêu hóa thức ăn. Thực vật trang điểm cho Trái Đất bằng màu xanh huyền diệu của mình. Chúng cố vươn cao, trải rộng, chiếm lĩnh những khoảng không gian bao la ngập gió và nắng trời. Chúng phô bày những cánh hoa sặc sỡ hoặc những chùm quả mọng đậm hương để quyến rũ côn trùng, chim chóc... Trái lại, động vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn lại có xu hướng hòa hợp với môi trường. Nhiều động vật, côn trùng cố tình lánh mặt vào thiên nhiên. Do vậy, mặc dù có rất nhiều loài côn trùng sống trên mặt đất nhưng chúng ta lại khó có thể nhận ra chúng. Chẳng hạn như những con kỳ nhông ẩn mình trong cát, những con cá Tetradon có màu xanh khắp mình giống như phiến đá phủ rêu xanh, con bọ ngựa có thân hình màu xanh lá cây nhưng đôi chân trước lại có một đốt màu tím nhạt, khi giơ chân lên, các đốt màu tím phô ra như cánh của một bông hoa mới nở... Một số động vật có khả năng thay đổi màu sắc tùy theo hoàn cảnh sống như cào cào, tắc kè hoa, bươm bướm, bọ lá... Ngụy trang là một phương thức tự vệ và tấn công hữu hiệu của nhiều loài động vật, muốn tồn tại và duy trì nòi giống, chúng không ngừng có xu hướng vươn tới sự hoàn thiện.
Cuốn sách cũng dành một số trang viết về con người – đỉnh cao tiến hóa của vật chất sống trên Trái Đất. Sự xuất hiện của loài người dường như có quan hệ với khởi nguồn của một đại dương ở Đông Phi. Từ khi xuất hiện trên Trái Đất, loài người đã không ngừng đấu tranh để tồn tại và phát triển. Với năng lực trí tuệ ngày càng hoàn thiện, con người đã vươn lên làm chủ thiên nhiên, đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực hoạt động.
Trái Đất là một hành tinh xanh tràn đầy sự sống và là cái nôi diệu kỳ của sự sống. Với thời gian, những chứng cứ khoa học để giải quyết vấn đề nguồn gốc loài người được phát hiện và tích lũy ngày càng nhiều. Đó chính là hóa thạch của các dạng người cổ, nhất là những hóa thạch có tính trung gian, cho phép khẳng định nguồn gốc động vật của loài người. Những hóa thạch quý giá đó phần lớn đã được phát hiện ở Đông Phi, khiến cho nơi đây được suy tôn là cái nôi của nhân loại. Từ nơi khởi nguồn đó, các bầy người nguyên thủy đã phân tỏa, chiếm lĩnh các vùng đất khác trên hành tinh. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả Tạ Hòa Phương đã liệt kê những phát hiện quan trọng nhất của các nhà khảo cổ về chuỗi tiến hóa từ người vượn thành người như: người vượn; người khéo léo, người đứng thẳng, người cận dại, người hiện đại. ở giai đoạn người hiện đại thì các công cụ lao động của họ đã rất phong phú và đa dạng, đã mang tính nghệ thuật hoặc huyền bí. Nền văn minh của loài người từ đó đến nay đã phát triển và hoàn thiện với tốc độ ngày càng cao.
Càng ngày, con người càng can thiệp sâu rộng vào thiên nhiên vì lợi ích của mình. Với đà tăng nhanh dân số, với sự phát triển thần tốc của khoa học kỹ thuật, con người không ngừng tăng cường khai thác thiên nhiên. Tác động của con người ngày nay là một nhân tố mạnh mẽ nhất làm thay đổi bộ mặt Trái Đất, trong đó có sinh quyển. Con người có thể trồng nên những cánh rừng tươi tốt trên miền đồi trơ trọi đá ong, dẫn nước vào cải tạo sa mạc, tát cạn đầm lầy, đổi hướng dòng sông, đắp đê ngăn nước mặn... tạo nên những đường nét mới của cảnh quan địa lý.
Theo tác giả, con người là chủ nhân của hành tinh mang sự sống và là sinh vật tiến hóa nhất giữa muôn loài. Do đó, con người phải thấy được trách nhiệm của mình, gìn giữ và bảo vệ môi trường để Trái Đất mãi đẹp, giàu sức sống.
Có thể nói, chỉ trong gần 200 trang của cuốn sách với những hình ảnh minh họa sống động, tác giả Tạ Hòa Phương đã cho chúng ta thấy cả một thế giới đa dạng từ những sinh vật nhỏ bé đến những sinh vật tiến hóa như con người. Phát hiện kể trên chứng tỏ rằng quanh ta còn có biết bao điều bí mật chưa được khám phá. Cũng thông qua công trình nghiên cứu của mình, tác giả cũng muốn nhắn nhủ tới chúng ta, những chủ nhân của hành tinh này hãy sống và bảo vệ lấy Hành tinh xanh đó để nó có thể mãi mãi tươi đẹp và tràn đầy sự sống.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 
   
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 

 


GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02 NĂM 2023
Quyển sách “ĐIỀU KÌ DIỆU CỦA TÌNH YÊU”
Tác giả: Nhiều tác giả
Khổ: 15x21cm, 267 trang
Nxb: Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh
         Điều kỳ diệu của tình yêu: Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất. Nxb. Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2015. - 267tr. ; 21cm.- (Hạt giống tâm hồn).
 
         Tình yêu có thể là một điều kỳ diệu, nhưng bất cứ điều kỳ diệu nào cũng chỉ là một hạt giống nhỏ, cần được vun đắp một cách thận trọng, nỗ lực theo đuổi và kiên trì nuôi dưỡng mới có thể nảy mầm. Từng giây, từng phút trong tình yêu đều có ý nghĩa của nó và chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn.
          Victor Hugo đã từng viết "Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là cảm nhận được rằng ta đang yêu và được yêu". Mặc cho thời gian trôi qua, mặc cho thời đại đổi thay, các giá trị của tình yêu vẫn luôn hiện diện trong tâm trí của con người và sống mãi trong kỷ niệm của mỗi cá nhân.
         Điều đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong cuộc sống chính là tình yêu – một tình cảm sâu sắc, lãng mạn và là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ nhất đối với bất kỳ ai và cũng là điều trăn trở, thao thức của mỗi chúng ta. Và theo thời gian, chúng ta từng nhận ra rằng cuộc sống không thể thiếu vắng tình yêu.
         Để tìm hiểu thêm về những khoảnh khắc trường tồn của tình yêu, Thư viện tỉnh Quảng Ninh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách: "Điều kỳ diệu của tình yêu". Nội dung cuốn sách gồm tập hợp các câu chuyện thể hiện các cung bậc cảm xúc khác nhau về tình yêu. Hãy cùng First News chia sẻ những câu chuyện bình dị và kỳ diệu ấy, để chúng ta được cảm nhận sâu sắc hơn những cung bậc trong tình yêu của chính mình.
 
       
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3 NĂM 2023
 
Hôm nay tôi rất vui khi đến với buổi giới thiệu sách chủ đề tháng 3. Tháng của bà, của mẹ, những người phụ nữ Việt Nam tần tảo,…Thư viện xin được giới thiệu đến toàn thể các thầy cô giáo và các em cuốn sách: “Học trong bụng mẹ” của tác giả Trần Quốc Toàn.

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo! Cùng tất cả các em học sinh thân mến!
Như một dòng suối nhỏ trong lành róc rách chảy hoài qua tháng rộng năm dài, qua sỏi đá, nắng mưa, Trần Quốc Toàn là một trong số ít những cây bút thủy chung, cần mẫn, bền bỉ, không ngừng hướng đến các em, trò chuyện cùng các em. “Học trong bụng mẹ” là cuốn sách tập hợp những câu chuyện mới nhất của ông dành cho các em.
      Vẫn là những câu chuyện bình dị, không có gì to tát, nhưng chính cách kể chuyện linh hoạt, sống động và giọng văn hóm hỉnh của ông khiến mỗi câu chuyện trở nên lung linh, biến ảo lạ thường…
"….Ngay từ trong bụng mẹ, những đứa bé đã có một tuổi ta, đã biết sống. Biết chòi đạp, biết nghe”.
      Bé nghe tiếng chuông cà rem khi mẹ mang bụng bầu đi chợ quê. Tiếng chuông bán dạo biến thành tiếng nhạc. Bé vẫy tay, đạp chân, rối rít trong bụng mẹ, mẹ ứa nước miếng thèm cà rem. Mẹ mua một cây, mút ngon lành để cà rem ngọt ngào trôi ngay xuống bụng với bé.
      Nghe xao xác hàng me, hàng sấu trên các đường phố, bé - lần này chắc là bé gái - lại đánh tín hiệu nước miếng, mẹ nhớ của chua, kiếm mua sấu, mua me. Mẹ ăn cho đứa bé trong bụng biết thế nào là me, là sấu.
     Những đứa bé nằm trong bụng, cùng với mẹ lên lớp dạy học, thường được nghe rất nhiều bài học. Bé nào nằm trong bụng nghe mẹ dạy đại học, bé ấy lúc ra đời học hơi kém một tí. Chỉ hơi kém vào những ngày mới tới trường, bởi vì đang học đại học, đổi xuống học lớp một, tránh sao khỏi lộn xộn, lúng túng. Bé nào nằm trong bụng mẹ nghe mẹ dạy lớp một thì giỏi ngay từ khi vào lớp một. Bởi lẽ nằm trong bụng học bài gì, ngồi trong lớp học lại bài ấy. Học có trật tự, thông minh là điều chắc chắn!"
Qua bài giới thiệu sách hôm nay, hi vọng các thầy cô giáo và các em sẽ khám phá và học hỏi thêm nhiều điều thú vị và bất ngờ trong cuốn sách “Học trong bụng mẹ” này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! 
       
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4 NĂM 2023
 
 

Kính thưa quý thầy cô giáo thân mến!
Nhân kỷ niệm 43 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019) , trong không khí của ngày lễ trọng đại này thư viện trường THCS Nguyễn Trãi  xin giới thiệu đến quý thầy - cô và các em học sinh cuốn sách kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu: “Đại thắng mùa xuân 1975” do tác giả Phan Anh sưu tầm và tuyển chọn, được nhà xuất bản Lao động ấn hành. Quyển sách này có số Đăng kí cá biệt là 683/TK, với giá tiền là 60.000đ.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975 giành thắng lợi đã kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mỹ cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc từ sau Cách mạng tháng tám thành công năm 1945, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ thứ XX, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và mốc son chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
 “Dân ta phải biết sử ta” đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến lịch sử dân tộc, điều đầu tiên chúng ta cần nhớ đến là những chiến công oanh liệt, những anh hùng hào kiệt đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam.
 Kính thưa quý Thầy- cô giáo cùng toàn thể các em học sinh!
Cuốn sách với độ dày 66 trang, có khổ  sách là 20x20 cm , bìa sách được làm từ chất liệu giấy cứng, đẹp, trên bìa sách được in hình ảnh quân giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch.  
        Cuốn sách kể chuyện sự kiện lịch sử “Đại thắng mùa xuân 1975” bằng ảnh tư liệu nằm trong bộ sách “Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu” đã tái hiện sinh động quá trình diễn biến của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân 1975, từ giai đoạn chuẩn bị, phản công đến lúc giành hoàn toàn thắng lợi. Mở đầu cuốn sách là hình ảnh Bộ chính trị - Trung ương Đảng họp tháng 11-1974 quyết định mở cuôc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975.
        Mở mỗi trang sách, bạn đọc như bị thu hút vào từng cuộc tiến quân của quân giải phóng ở 3 chiến dịch:  Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột. Chiến dịch giải phóng Huế- Đà Nẵng và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Cuốn sách được chia làm hai phần:
Phần thứ nhất với tiêu đề “ Đại thắng mùa xuân 1975 - bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam” tập trung thể hiện sinh động quá trình Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện chiến lược, triển khai tác chiến, huy động sức mạnh toàn dân tộc để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ghi lại những diễn biến của các chiến dịch quan trọng như : Chiến dịch Tây Nguyên đòn quyết chiến chiến lược đầu tiên , chiến thắng Buôn Ma Thuột , giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên; chiến dịch Huế - Đà Nẵng , chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Phần thứ hai với tiêu đề “ Đại thắng mùa xuân 1975- chiến dịch của bản lĩnh và trí tuệ Việt nam” đem đến cho người đọc cái nhìn khái quát nhất qua những đánh giá nhận định từ nhiều phía . Đối với Việt Nam chúng ta đã đánh giá tổng kết nêu bật ý nghĩa lịch sử và những kinh nghiệm quý báu đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước . Về phía Mỹ là những lời thú nhận đã thất bại thảm hại và nặng nề trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam . Đối với bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới , đại thắng mùa xuân 1975 của Việt Nam là thắng lợi mang tầm vóc thời đại , cổ vũ mạnh mẽ tất cả các dân tộc và nhân dân bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do giải phóng dân tộc.
Năm tháng trôi qua nhưng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đọc cuốn sách “ Đại thắng mùa xuân 1975” chúng ta càng khâm phục và tự hào về truyền thống yêu nước , tinh thần đoàn kết và bản lĩnh , trí tuệ của dân tộc . Đặc biệt đây còn là tài liệu lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp tục thế hệ cha anh ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững bền. 
         
Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
       Người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải ý thức được rằng để có được cuộc sống hoà bình, độc lập ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua bao gian nan, bao đau thương, máu và nước mắt của bao người đã đổ xuống. Hướng tới kỉ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta hãy có những việc làm thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình với những người có công với đất nước, ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để góp phần xây đắp quê hương, Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
         Cuốn sách: “Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu: Đại thắng mùa xuân 1975”  là một tư liệu lịch sử quí giá, hy vọng cuốn sách này sẽ giúp quý thầy - cô và các em học sinh nhiều điều bổ ích trong quá trình giảng dạy và học tập.
            Thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! 
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 
 
 
 
 
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5 NĂM 2023
 
Quyển sách “Bác Hồ kính yêu của chúng em” của tác giả Trần Viết Lưu, do nhà xuất bản Giáo dục phát hành vào năm 2007.
          Mác- xim-góc- ki đã nói: "Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời nhưng không thể che được ánh sáng của sách mang lại".
          Mỗi một cuốn sách đều mang lại rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống không chỉ với người lớn với trẻ thơ, mỗi một cuốn sách là một thế giới bí ẩn  khám phá nó ta sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Đọc sách là một thú vui lành mạnh, là công việc cần thiết trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Hưởng  ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh đến với học sinh đồng thời phát động phong trào đọc sách sâu rộng trong HS. Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2017 và kỷ niệm 131 năm ngày quốc tế lao động 1/5/1886- 1/5/2017; tiến đến kỷ niệm 127 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/ 1890 - 19/5/2017, Thư viện xin trân trọng kính giới thiệu đến tất cả các thầy cô giáo cùng các em HS tập sách mang tựa đề: “Bác Hồ kính yêu của chúng em” của tác giả Trần Viết Lưu, do nhà xuất bản Gíao dục phát hành vào năm 2007.
       Đây là tập sách quý, được các nhà trường sử dụng làm tư liệu để giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ. Tập sách dày 96 trang, trang bìa là hình ảnh Bác Hồ với các bạn học sinh của các bậc học; sách có kích thước (20 x 15) cm, bìa màu hồng cánh sen.
          - Bố cục tập sách có phần mở đầu
          - Phần 1 và 2: Giới thiệu về: + Tuổi thơ và quê hương.
                                                         + Xứ Huế và những kỷ niệm đau buồn.
          - Phần 3 và 4: Giới thiệu về: Quãng thời gian ra đi tìm đường cứu nước và 30 năm của một cuộc đời cách mạng.
          - Phần 5 và 6: Giới thiệu về thời gian Bác trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, làm nên cách mạng tháng 8/1945, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
          - Phần 7: Lời Bác dặn trước lúc đi xa và thế giới nói về Người.
          Tập sách đăng 41 câu chuyện nhỏ, bằng lối văn kể chuyện hấp dẫn, nhẹ nhàng mà tinh tế, tác giả đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và những phẩm cách cao đẹp, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Người không chỉ là “Danh nhân văn hoá thế giới” mà còn là tượng trưng thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao đẹp của thời đại. Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo để học tập, rèn luyện, phấn đấu.
          Vâng, Bác là một người Việt Nam bình dị mà vĩ đại, Người sinh ra từ xứ Nghệ nghèo khổ, sống những ngày đau buồn ở xứ Huế, vì yêu nước thương dân mà Người đã bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước, cứu dân. Bác đã trực tiếp sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi. Bác kiên quyết lãnh đạo nhân dân ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội, chiến đấu chống đế quốc Mỹ giành thắng lợi và thống nhất đất nước. Đưa bắc nam xum họp một nhà. Bác giành muôn vàn tình yêu thương cho tất cả mọi người, đặc biệt là các thiếu niên nhi đồng.
          Xin hãy cùng nhau lật từng trang sử để lòng ta được theo dấu chân Bác.
“Bác đi ...đâu cũng nghe chân bước
Như gió Xuân về, đất nở hoa”
          Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em!
          Ở phần I cuốn sách gồm 6 câu chuyện nhỏ kể về gia đình và thời thơ ấu, về một xã hội Việt Nam đang chìm trong đêm dài nô lệ.
          Với tựa đề: “ Tuổi thơ trên quê hương...”
Chắc hẳn ai đã  từng về quê Bác, thì không thể nào quên chiếc võng buông chùng trong căn nhà lá đơn sơ, lặng lẽ bên gốc mít già, như vật chứng một thời lưu giữ tuổi ấu thơ của Nguyễn Sinh Cung. Dường như chiếc võng ấy vẫn còn dấu tay người mẹ - bà Hoàng Thị Loan...
Với lời ru của mẹ bên chiếc võng đơn sơ, bình dị đã thắp sáng trong tâm hồn Bác ngọn lửa yêu quê hương, đất nước và lời ru ấy sẽ theo Người cả cuộc đời vì nước, vì dân!
Nhưng vì ước mơ đỗ đạt của cha là Nguyễn Sinh Sắc, nên Người phải rời xa làng Sen, núi Chung để cùng gia đình vào Huế, như phần II của sách đã viết: xứ Huế và những kỷ niệm đau buồn.
Người buồn vì phải mất mẹ lúc 11 tuổi... thời khắc ấy bầu trời Huế ảm đạm, u sầu.
Mấy năm sau, vào năm 1906, Người lại  theo cha trở lại Huế với tên gọi Nguyễn Tất Thành. Tất Thành cùng anh trai vào trường Quốc học. Ở đó Người đã sớm bộc lộ: một trí tuệ lớn, một nghị lực lớn, một tâm hồn nhạy cảm và luôn day dứt vì nỗi đau của người dân mất nước. Năm 1908 Nguyễn Tất Thành đã phải giã từ tuổi học trò ngắn ngủi của mình.
          Ngày 5/6/1911 tại bến cảng nhà Rồng – Sài Gòn, Người ra đi tìm đường cứu nước, đây là nội dung của phần III của cuốn sách.
          Đến với phần IV của cuốn sách có tựa đề “ 30 năm của một cuộc đời cách mạng” chúng ta vô cùng xúc động khi đọc về những tháng ngày gian truân mà Bác đã trãi qua ở các phương trời châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, đã đến với bao lớp người nô lệ, cuối cùng Người đã tìm thấy và đến với Chủ nghĩa Mác – Lê nin.
          Một ngày tháng 7/1920, tại căn phòng nhỏ ở Pari, Anh Nguyễn phát khóc và reo lên như đang nói với đồng bào mình:
“ Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ, Đây là cái cần thiết cho chúng ta, Đây là con đường giải phóng chúng ta !”.Và Người đã mang tên Nguyễn Ái Quốc.
          Với phần V : “Trở về giải phóng Tổ Quốc”
Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và để đảm bảo bí mật, các đồng chí đã bố trí cho Bác ở hang Pắc Pó, cuộc sống rất gian khổ, nhưng Bác vẫn lạc quan, yêu đời.
                                              “Sáng ra bờ suối, tối vào hang
                                               Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
                                              Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
                                             Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
          Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Bác Hồ đã đọc bảng tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
                   “Hỡi đồng bào cả nước!    Tất cả mọi người  sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không có ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
          Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Quân và dân ta đã đứng lên đánh đuổi thực dân pháp ở khắc nơi. Với chín năm trường kỳ kháng chiến đánh thực dân Pháp, ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm chấn động địa cầu, đã kết thúc 80 năm xâm lược của thực dân Pháp.                    
          Nhưng nước ta tạm thời lại bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
          Đó là nội dung của phần VI, bộc lộ với tinh thần thép của Bác và của toàn dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
          Đến với phần VII có tựa đề: “Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa”.
          Vâng, tinh thần thép của Bác là vậy, lời kêu gọi của Bác là vậy!. Cả dân tộc cùng lên đường đánh Mỹ. Lòng nhân ái của Bác bao la: “quê hương nghĩa nặng tình sâu”, “miền Nam trong trái tim tôi”… đó là tựa đề của các câu chuyện trong phần này.
“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế!
Ôm cả non sông mọi kíếp người”
          Tình yêu thương của Bác Hồ mênh mông như biển cả, Bác luôn suy nghĩ và lo lắng cho dân tộc, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng… “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” bài hát ấy chúng em vẫn luôn hát để mãi nhớ đến Người.
Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em!
          “Vào hồi 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969. Bác Hồ kính yêu đã về với cõi vĩnh hằng. Cả nước lặng buồn, giả biệt người cha muôn vàn kính yêu…”
          Bác Hồ đã đi xa nhưng di sản của Người để lại thật đồ sộ và vô giá, trước hết đó là các giá trị đạo đức, tinh thần. Là tấm gương sáng cho lớp lớp con cháu học tập và noi theo. Đó là cả cuộc đời hy sinh vì nước vì dân, vì hạnh phúc của đồng bào. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, đạo đức mới.
Noi gương Bác Hồ, trước hết chúng ta học tập đạo đức của Người, học tập những phẩm chất tốt đẹp trong cuộc sống của Người, trong quan hệ gia đình, trong cách đối nhân xử thế ngoài xã hội, trong hành động, ý chí đấu tranh thực hiện lý tưởng cách mạng mà Người đã phấn đấu suốt đời giành cho. Tấm gương đạo đức và nội dung tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh rất rộng lớn, song có thể quy tụ vào một số điểm là:
  • Thứ nhất: “Đạo đức về lòng trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, thể hiện ở cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tiến bộ xã hội; nổi bật là lòng yêu nước thương dân của Bác”.
  • Thứ hai: Đạo đức cách mạng của người là suốt đời phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, của dân tộc, suốt đời hy sinh cho Đảng, cho cách mạng.
  • Thứ ba: Đạo đức của một người lao động mới để xây dựng CNXH, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
  • Thứ tư: Đạo đức Hồ Chí Minh nổi bật với chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người, lòng nhân ái, là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Tạo nên tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.
  • Thứ năm: Hồ Chí Minh còn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân, của 1 người Việt Nam, rất Việt Nam, dù sống 30 năm xa nước.
          Những phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp của Bác Hồ là cơ sở quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại; đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập.
Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em!
Để xứng đáng với lòng mong muốn của Bác Hồ, của Tổ Quốc Việt Nam yêu quý. Chúng ta đang ra sức thi đua học tập, rèn luyện đạo đức và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là chủ nhân tương lai của nước Việt Nam anh hùng và tươi đẹp như lòng mong muốn của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không? Chính là nhờ 1 phần lớn ở công học tập của các em”.
          Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công nhận Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
          Sau khi chúng ta đọc xong tập sách “Bác Hồ kính yêu của chúng em”, chúng ta vô cùng tự hào là Việt Nam có Bác Hồ, dân tộc Việt Nam biết ơn Bác, nhân dân lao động trên thế giới nhớ ơn Người.
          Giờ đây ngày ngày trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, từng đoàn người từ khắp bốn phương lặng lẽ kính cẩn viếng thăm chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thẩy
Như dòng sông chảy, nặng phù sa”
          Vâng! Mỗi học sinh chúng ta đều có những ước mơ về một tương lai tươi đẹp và điều đó là có thể thực hiện được; bởi chúng ta đang được sống trong tình yêu thương của gia đình, của nhà trường và xã hội; bởi hành trang mà chúng ta vào đời là những giá trị đạo đức mà Bác Hồ kính yêu đã để lại.
Chúng ta hãy làm giàu vốn hiểu biết của mình bằng cách giành thời gian để đọc sách. Sách là một mốn quà kì diệu vô giá mà con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cuộc sống của mình Chúng ta thử hình dung cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu những cuốn sách. Nó sẽ buồn tẻ và hụt hẫng biết chừng nào nếu thiếu sách. Đã từ lâu con người coi sách là nguồn tri thức vô tận, là người bạn tốt có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau tìm đọc tập sách : “Bác Hồ kính yêu của chúng em”  do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành vào năm 2007 nhé!
 
BGH GVPTTV
 
 
 
 
 
 Huỳnh Thị Thúy Hương
 
 
 
2018 © Trường Tiểu học Tân Tập
Địa chỉ: Cần Giuộc - Long An
Thiết kế bởi VNPT Long An